Biểu đồ nến Heiken Ashi – Nắm bắt xu hướng và giao dịch
Trong bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về nến Heiken Ashi – một chỉ báo kỹ thuật dễ sử dụng và cung cấp các tín hiệu có độ chính xác cao. Vậy, làm thế nào để nắm bắt xu hướng thị trường và giao dịch với công cụ này? Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết này.

1. Lưu ý khi giao dịch với biểu đồ nến Heiken Ashi
Nhiều nhà đầu tư thường hay nhầm lẫn nến Heiken Ashi với nến Nhật thông thường do hình dạng tương đồng của chúng. Tuy nhiên, vai trò chính của nến Nhật là cung cấp thông tin về giá. Trong khi đó, nến Heiken Ashi được dùng để loại bỏ các tín hiệu nhiễu và xác định diễn biến giá chính xác hơn.
Để sử dụng biểu đồ nến Heiken Ashi hiệu quả, bạn cần nắm vững một số kiến thức sau:
- Đọc hiểu tín hiệu nến Heiken Ashi
- Xác định xu hướng thị trường
- Theo dõi mô hình giá và kết hợp các chỉ báo để dự đoán diễn biến thị trường tiếp theo
- Quản lý rủi ro bằng cách đặt lệnh cắt lỗ và chốt lời phù hợp với mục tiêu đầu tư của bạn
- Nếu không nắm rõ tình hình hiện tại, bạn không nên vào lệnh
2. Xác định xu hướng thị trường bằng biểu đồ nến Heiken Ashi
Biểu đồ nến Heiken Ashi có khả năng loại bỏ các tín hiệu sai lệch và giúp bạn dễ dàng nhận ra thị trường đang tăng hay giảm. Cách nắm bắt xu hướng với nến Heiken Ashi như sau:
- Nếu xuất hiện hàng loạt nến xanh có thân dài, bóng trên dài, bóng dưới ngắn hoặc không có bóng dưới: xu hướng tăng ➙ đặt lệnh Mua hoặc tiếp tục nắm giữ vị thế mua để tối ưu lợi nhuận
- Nếu xuất hiện hàng loạt nến đỏ có thân dài, bóng dưới dài, bóng trên ngắn hoặc không có bóng trên: xu hướng giảm ➙ đặt lệnh Bán hoặc tiếp tục nắm giữ vị thế bán để tối ưu lợi nhuận
3. Giao dịch kết hợp với mô hình giá trên biểu đồ nến Heiken Ashi
Sau khi đã nhận biết được tín hiệu nến Henkei Ashi và xu hướng thị trường hiện thời, bạn có thể dựa vào các mô hình nến hoặc mô hình giá để tìm cơ hội giao dịch:
Nến Doji
Doji là thanh nến có giá đóng nến trùng hoặc xấp xỉ với giá mở nến. Nến sẽ không có thân hoặc thân rất nhỏ, bóng nến dưới và trên đều tương đối dài. Đây có thể là tín hiệu cho sự đảo chiều sắp tới.
Khi nến Doji hình thành, nhà giao dịch nên kết hợp với các chỉ báo dao động như RSI để xác nhận chính xác sự đảo chiều của giá. Nếu RSI đi vào vùng quá mua hoặc quá bán, sự đảo chiều nhiều khả năng xảy ra.
Với ví dụ trên, nến Doji đã hình thành và kết thúc xu hướng giảm của EUR/USD vào đầu tháng Tư. Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) chạm mức quá bán và bật lại, giá đảo chiều và hình thành xu hướng tăng sau đó.
Với ví dụ này, giá USD/CHF tạo đỉnh vào ngày 6/10 và hình thành một cây nến Doji sau đó. Chỉ số RSI tại mức 54.96 cho thấy lực mua và bán gần tương đương nhau. Giá giảm nhẹ sau đó nhưng không hình thành xu hướng giảm mà đi ngang trong thời gian tiếp theo.
Xem thêm: Heiken Ashi là gì? Sử dụng Heiken Ashi để xác định xu hướng
Mô hình Nêm
Mô hình Nêm (Wedge) thường được dùng để xác định sự đảo chiều của giá. Mô hình Wedge có 2 loại: Nêm giảm (Falling Wedge) và Nêm tăng (Rising Wedge). Trong mô hình này, đường nối các đỉnh sẽ đóng vai trò đường kháng cự, còn đường nối các đáy đóng vai trò đường hỗ trợ.
Đặc điểm của mô hình Nêm là biên độ dao động giá (khoảng cách giữa đường kháng cự và hỗ trợ) ở phần đầu khá lớn và thu hẹp dần cho đến khi giá phá vỡ đường kháng cự hoặc hỗ trợ.
Hình dưới mô tả mô hình Nêm giảm. Khi giá phá vỡ đường kháng cự, mô hình Nêm giảm hoàn thành và thị trường bắt đầu đảo chiều tăng. Đường kháng cự bị phá vỡ sẽ trở thành đường hỗ trợ mới. Một vài điểm cần lưu ý trong mô hình này là:
- Sau khi giá phá vỡ đường kháng cự thì có thể quay lại đường này để kiểm định lại. Đường này giờ đây trở thành đường hỗ trợ
- Đường kháng cự có thể dốc hơn nhiều so với đường hỗ trợ
- Khối lượng giao dịch tại điểm phá vỡ có thể tăng lên
Đối với mô hình Nêm giảm, bạn đặt lệnh Mua như sau:
- Vào lệnh: Các nhà đầu tư thường vào lệnh sau khi giá phá vỡ đường kháng cự hoặc khi giá quay lại đường này ở điểm kiểm định (để chắc chắn mô hình Nêm đã hoàn thành và để tránh trường hợp Phá vỡ giả)
- Cắt lỗ: Xác định đáy của điểm đảo chiều thấp nhất và đặt cắt lỗ tại đó
- Chốt lời: Xác định khoảng cách lớn nhất của mô hình và dựa vào đó để tìm điểm chốt lời tính từ điểm vào lệnh
Mô hình Nêm tăng cũng tương tự như vậy, nhưng đường hỗ trợ dốc hơn so với đường kháng cự.
Mô hình Tam giác
Có 3 loại mô hình Tam giác (Triangle) sau:
- Tam giác tăng dần (Ascending Triangle): Các đỉnh có chiều cao tương đương nhau (tạo thành một đường kháng cự ngang) còn các đáy cao dần lên. Nếu giá phá vỡ đường kháng cự của mô hình Tam giác tăng dần thì giá sẽ có khuynh hướng tiếp tục tăng
- Tam giác giảm dần (Descending Triangle): Các đáy có chiều cao tương đương nhau (tạo thành một đường hỗ trợ ngang) còn các đỉnh thấp dần xuống. Nếu giá phá vỡ đường hỗ trợ của mô hình Tam giác giảm dần thì giá sẽ có khuynh hướng tiếp tục giảm
- Tam giác đối xứng (Symmetrical Triangle): Với mô hình này, các đỉnh sẽ thấp dần còn các đáy sẽ tăng dần và tạo thành một tam giác cân. Khác với hai loại tam giác trên, Tam giác đối xứng là mô hình trung lập, nghĩa là nếu giá phá vỡ đường hỗ trợ thì giá sẽ có khuynh hướng tiếp tục giảm (như hình dưới), còn nếu phá vỡ đường kháng cự thì giá sẽ có khuynh hướng tiếp tục tăng
Trong trường hợp trên, bạn sẽ đặt lệnh Bán sau khi giá phá vỡ đường hỗ trợ. Mức cắt lỗ và chốt lời sẽ được đặt như sau:
- Cắt lỗ: Đặt mức cắt lỗ ở trên cạnh dưới của mô hình Tam giác đối xứng
- Chốt lời: Dựa vào khoảng cách lớn nhất của mô hình để xác định điểm chốt lời
Cách xác định điểm vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời cũng tương tự khi giá phá vỡ đường kháng cự.
4. Kết luận
Như vậy là chúng ta đã biết cách nắm bắt xu hướng thị trường và giao dịch sử dụng biểu đồ nến Henkei Ashi.
Trên đây chỉ là một vài trong hàng nghìn cách giao dịch với chỉ báo này được sáng chế bởi các nhà giao dịch. Tuy nhiên, dù sử dụng cách nào đi chăng nữa, chúng ta phải luôn nhớ áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh bị các biến động trên thị trường “xóa sổ” tài khoản của mình.
Nhatkytraders