Khi một chỉ báo “thể hiện một xu hướng khác” với các hành động giá thực tế, đó là lúc các nhà giao dịch có thể tìm kiếm các cơ hội sinh lời.

Đôi khi một chỉ báo kỹ thuật sẽ thể hiện một điều trái ngược với hành động giá thực tế của cổ phiếu hoặc chỉ số mà nhà đầu tư đang quan tâm. Những “điểm bất đồng” này thực sự rất hữu ích cho các nhà giao dịch kỹ thuật. Bài viết này sẽ thảo luận và tìm hiểu cách áp dụng tín hiệu kỹ thuật hữu ích với tên gọi là “phân kỳ” này.
Giao dịch với phân kỳ – Phần một
Sự phân kỳ xuất hiện khi một chỉ báo kỹ thuật (thường là chỉ báo dao động) bắt đầu thiết lập một xu hướng không đồng nhất với chuyển động giá thực tế. Ví dụ: biểu đồ bên dưới cho thấy chỉ số Nasdaq 100 (QQQQ) hình thành các mức đáy thấp hơn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2008.
Đây là một tín hiệu cho thấy thị trường đang đi vào xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, chỉ báo kỹ thuật RSI lại cho thấy một loạt các mức đáy cao hơn, và điều này cho thấy xu hướng đang được cải thiện theo chiều hướng tăng lên.

Xem thêm: Hướng dẫn lập kế hoạch giao dịch forex hiệu quả
Đối với những vị thế short QQQQ, đây là một cảnh báo rằng đã đến lúc phải chú ý đến việc kiểm soát rủi ro, vì có khả năng cao là xu hướng giảm sẽ bị phá vỡ trong ngắn hạn.
Đối với các nhà giao dịch đang tìm kiếm một vị thế long QQQQ tiềm năng, “sự phân kỳ tăng giá” này là một chỉ báo rằng một sự thay đổi trong xu hướng có thể chuẩn bị xảy ra.
Các nhà giao dịch thường sử dụng các chỉ báo dao động vì những công cụ này có thể loại bỏ các yếu tố gây nhiễu của hành động giá. Các chỉ báo dao động thường được thiết kế để hiển thị cho nhà giao dịch khi giá đã đạt đến điểm cực trị và có khả năng đảo chiều. Tuy nhiên, giá trị như thế nào được gọi là điểm cực trị?
Sự bất đồng hoặc “phân kỳ” giữa hành động giá giảm (đáy thấp hơn) và xu hướng của bộ dao động (đáy cao hơn) chính là lời giải cho câu hỏi trên. Tín hiệu này thể hiện tâm lý nhà đầu tư đang dao động, không còn chắc chắn với xu hướng hiện tại và khả năng đảo chiều sẽ có khả năng xảy ra.
Sự phân kỳ là tín hiệu để giao dịch theo cả hai hướng.
Sự phân kỳ cũng có thể là một tín hiệu cảnh báo quan trọng rằng một xu hướng tăng giá đang kết thúc. Phân kỳ tăng giá có thể được sử dụng để xác định thời gian mở vị thế mua mới hoặc để tìm ra thời điểm mà xu hướng giảm suy yếu. Ngược lại, phân kỳ giảm giá là một chỉ báo mà phe mua cần phải chú ý theo dõi.
Bên cạnh việc mô tả sự phân kỳ giảm giá, bài viết cũng sẽ phân tích thêm về những loại phân kỳ quan trọng mà nhà đầu tư nên tìm kiếm hàng ngày.
Giao dịch với phân kỳ – Phần hai
Chỉ báo phân kỳ giảm giá xảy ra khi giá tiếp tục hình thành mức đỉnh cao hơn (dấu hiệu điển hình trong thị trường tăng giá) trong khi chỉ báo dao động (trong trường hợp này là RSI) đang hình thành mức đỉnh thấp hơn đáng kể (thể hiện sự suy yếu trong xu hướng).
Tín hiệu này được xác nhận là hợp lệ nếu xu hướng phân kỳ giữa chỉ báo và hành động giá xảy ra khi chỉ báo này đang tạo đỉnh trong vùng “quá mua”.
Nếu nhà đầu tư đang sử dụng RSI để tìm kiếm các phân kỳ, tín hiệu cần được chú ý nhất là sự phân kỳ khi các đỉnh của chỉ báo xuất hiện ở trên giá trị 70 hoặc nằm trong vùng “quá mua”. Biểu đồ bên dưới thể hiện chính xác mô hình này và kết quả là sự đảo chiều của Ebay (EBAY).

Có hai điều mà một nhà giao dịch có thể làm sau khi sự phân kỳ hình thành và giá bắt đầu giảm. Thứ nhất, đây là tín hiệu giúp các nhà giao dịch vị thế long chủ động trong việc kiểm soát rủi ro của họ. Với một tín hiệu rõ ràng về sự đảo chiều của thị trường, nhà đầu tư có thể điều chỉnh các điểm dừng phù hợp hơn, xem xét và lựa chọn các phương án bảo vệ danh mục đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng mới.
Thứ hai, phân kỳ giảm giá là một tín hiệu tuyệt vời cho nhiều nhà giao dịch để mở vị thế short hoặc mua quyền chọn bán. Trong cả hai trường hợp, tín hiệu phân kì này đã cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin hữu ích để quản lý danh mục đầu tư một cách hợp lý.
Các quy tắc để giao dịch với phân kỳ rất đơn giản và có thể được kết hợp với một số chỉ báo kỹ thuật khác nhau
Các phân kỳ có thể được xác định một cách dễ dàng. Mặc dù chỉ báo này không quá phổ biến nhưng chúng là những tín hiệu quan trọng cho thấy xu hướng sẽ sớm thay đổi trong tương lai. Điều này cũng là cảnh báo cho các nhà giao dịch theo xu hướng, giúp họ thực hiện các biện pháp để hạn chế rủi ro, đồng thời cũng là tín hiệu cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội giao dịch tiềm năng từ sự đảo chiều sắp xảy ra. Bài viết sẽ cung cấp các quy tắc cơ bản của giao dịch với phân kỳ và các phương pháp để xác định phân kỳ trong thị trường với các chỉ báo kỹ thuật khác ngoài RSI.
Giao dịch với phân kỳ – Phần ba
Phân kỳ tăng giá:
Cả hai dạng phân kỳ đều tìm kiếm sự “bất đồng” giữa chỉ báo kỹ thuật và hành động giá. Trong trường hợp phân kỳ tăng, tín hiệu xảy ra khi chỉ báo đang tạo mức đáy CAO hơn (thể hiện ít xu hướng giảm hơn) trong khi hành động giá đang thiết lập mức đáy THẤP hơn.
Hiện tượng phân kỳ này là một tín hiệu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang thay đổi khi thị trường đi vào mức “quá bán” trong xu hướng giảm.
Sự phân kỳ giảm giá:
Sự “bất đồng” trong tín hiệu này xảy ra khi chỉ báo đang hình thành mức đỉnh THẤP hơn trong khi hành động giá thể hiện mức đỉnh CAO hơn. Chỉ báo trong trường hợp này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang trở nên ít lạc quan hơn khi mà thị trường đang ở trong mức “quá mua”.
Tìm các điểm cực trị:
Một chỉ báo kỹ thuật sẽ thể hiện nhiều đỉnh và đáy. Yếu tố quan trọng nhất chính là xác định được giá trị đỉnh và đáy nào là điểm cực trị. Ví dụ: khi sử dụng chỉ báo RSI, phạm vi trên 70 hoặc dưới 30 là những vùng sẽ xuất hiện điểm cực trị.
Nếu sự phân kỳ giảm giá xảy ra khi chỉ báo RSI nằm trong phạm vi quá bán, phe mua nên bắt đầu tìm các phương án để bảo vệ vị thế của họ kỹ càng. Tương tự, nếu sự phân kỳ tăng xảy ra khi chỉ báo RSI dưới 30 thì phe bán cần bắt đầu áp dụng các phương pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không sử dụng RSI?
Không phải tất cả các chỉ báo kỹ thuật đều xác định các vùng quá mua và quá bán như RSI. Chính các phạm vi cực trị của RSI giúp chỉ báo này trở thành một công cụ phân tích thuận tiện và được các nhà giao dịch ưa thích sử dụng. Tuy nhiên, ngoài RSI, nhà đầu tư vẫn có thể các chỉ báo khác để xác định được tín hiệu phân kì.
Ví dụ: nhiều nhà giao dịch sử dụng MACD hoặc CCI làm chỉ báo dao động để hỗ trợ giao dịch theo xu hướng. Cả hai đều không có các phạm vi cực trị như RSI, vì các công cụ này không dao động trong phạm vi từ 1 đến 100. Sau đây là một ví dụ về cách tìm ra sự phân kỳ với các chỉ báo dao động trên.
Trong biểu đồ bên dưới, tín hiệu phân kỳ tăng được xác định khi chỉ báo RSI thiết lập các mức đáy cao hơn (1) trong vùng “quá bán”, trong khi thị trường đang tạo ra các mức đáy thấp hơn. Những tín hiệu tương tự cũng xuất hiện trên chỉ báo CCI, thiết lập mức đáy cao hơn (2) so với dữ liệu gần đây. Cuối cùng, điều tương tự cũng được thiết lập trên chỉ báo MACD (3).
Không phải ngẫu nhiên mà cả ba chỉ báo đều cho thấy cùng một tín hiệu trong cùng một thời điểm. Các chỉ báo dao động về cơ bản đều đo cùng một thông tin theo những cách rất giống nhau. Sự khác biệt thường đến từ phong cách phân tích số liệu của mỗi người. Một số nhà giao dịch ưu tiên sử dụng RSI trong khi những người khác thích MACD hoặc một số công cụ dao động khác hơn. Điều này tương đối giống sự lựa chọn giữa tỷ số P/E và tỷ số P/E/G của các nhà phân tích cơ bản. Vì vậy, lời khuyên đưa ra cho các nhà giao dịch là hãy gắn bó với công cụ phù hợp nhất với chiến lược phân tích và phong cách giao dịch của mình.
Biểu đồ hàng ngày của IBM cho thấy sự phân kỳ tăng giá

Nhà đầu tư có thể thực hành tìm kiếm sự phân kì trong các dữ liệu quá khứ trước khi áp dụng chỉ báo này trong giao dịch hiện tại.