Thị trường tiền điện tử (Crypto) đang trong giai đoạn đầu phát triển và các nhà đầu tư phải đối mặt với một số rủi ro hữu hình khi tiếp cận lĩnh vực này. Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét các rủi ro và phân loại chúng thành hai nhóm: rủi ro với crypto như một ngành công nghiệp và rủi ro với crypto như một khoản đầu tư.
Rủi ro với crypto như một ngành công nghiệp
Hơn mười một năm sau khi được tạo ra, ngành công nghiệp tài sản mã hóa (cryptoasset) đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, quy mô tài sản không ngừng gia tăng, được các thể chế hỗ trợ, các quy định pháp lý được phát triển và nhiều yếu tố khác thể hiện sự bền vững trong tương lai. Nhưng những rủi ro trên quy mô lớn hay rủi ro ảnh hưởng đến sự tồn tại của crypto vẫn rất đáng kể để chúng ta phải quan tâm.
Rủi ro về mặt kỹ thuật
Tiền điện tử tiếp tục đối mặt với những rủi ro lớn về mặt công nghệ.
Ngay cả những Blockchain lâu đời nhất, như bitcoin, cũng có khả năng dễ bị dính các lỗi và các vấn đề về mặt kỹ thuật có thể dẫn tới làm lộ ra các lỗ hổng bảo mật không xác định được. Gần đây nhất là năm 2018, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một lỗi trong mã code của bitcoin, nếu không được kiểm soát và bị khai thác, có thể dẫn đến lạm phát lớn (về lý thuyết là vô hạn) trong cơ chế phát hành Bitcoin mới (Xem thêm tài liệu tham khảo 64).
Trong thực tế, lỗi như vậy đối với Blockchain chưa bị khai thác. Tuy nhiên, thực tế việc lỗi đó xuất hiện gần đây là một lời nhắc nhở rằng các lỗi kỹ thuật là một mối đe dọa lâu dài đối với lớp tài sản được xây dựng hoàn toàn dựa trên phần mềm. Hơn nữa, mối đe dọa đó trở nên nghiêm trọng hơn đối với những Blockchain thế hệ mới hơn và phức tạp hơn.
Vượt lên trên những rủi ro về mặt kỹ thuật đang tồn tại là những thách thức về việc gia tăng hiệu suất hoạt động, những thách thức này có thể làm cho các Blockchain không hoạt động được hết tiềm năng của mình. Bitcoin là một ví dụ, hiện tại Blockchain này chỉ có thể thực hiện được một số ít giao dịch mỗi giây (ND – khoảng 7 giao dịch/giây). Mặc dù các nỗ lực đang được thực hiện để nâng cao giới hạn này, nhưng đó vẫn là một nút thắt cổ chai quan trọng.
Rủi ro cạnh tranh
Một rủi ro đáng kể khác là các loại tài sản mã hóa được xây dựng trên Blockchain sẽ bị đánh bại bởi các đối thủ cạnh tranh ngày càng phát triển từ các giải pháp công nghệ khác.
Các giải pháp này có thể xuất hiện dưới dạng lặp lại và có cải tiến cơ sở dữ liệu phân tán, cải tiến kiến trúc tài chính truyền thống, hoặc những phát minh mang tính phá vỡ không thể lường trước được khác.
Ví dụ, như đã thảo luận, khả năng xử lý giao dịch nhanh hơn so với ngành dịch vụ tài chính truyền thống là một trong ba mũi nhọn mà lớp tài sản dựa trên công nghệ Blockchain (tài sản mã hóa) cung cấp. Nhưng ngành dịch vụ tài chính truyền thông không phải sẽ luôn đứng yên một chỗ. Ví dụ, trong Tháng 8 năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã công bố có kế hoạch triển khai một chương trình xử lý thanh toán theo thời gian thực có tên “FedNow”, chương trình này sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch tài chính trong phạm vi Hoa Kỳ lên (TL – 65). Ngoài ra, FED cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ mở rộng thời gian hoạt động của Fedwire Funds Service lên 24/7/365 thay vì chỉ hoạt động trong giờ làm việc của ngân hàng như hiện tại (TL – 66). Những cải tiến này và sự phát triển khác trên phạm vi toàn cầu có thể thách thức yếu tố khác biệt của crypto – xử lý giao dịch nhanh.

Những tác nhân xấu phi kinh tế
Cơ chế đồng thuận của tài sản mã hóa dựa trên lý thuyết trò chơi kinh tế để tồn tại. Các “thợ đào” xác thực các giao dịch tài sản mã hóa được khuyến khích hành xử một cách trung thực bở vì nếu làm khác họ sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế. Ví dụ, nếu ai đó muốn thực hiện các giao dịch gian lận trên mạng lưới bitcoin, họ có thể làm điều đó bằng cách tập hợp được lượng sức mạnh máy tính lớn hơn phần còn lại của mạng lưới cộng lại. Điều này sẽ cho phép họ kiểm soát hệ thống và dàn xếp các giao dịch theo ý mình thông qua cái được gọi là tấn công 51% (bởi vì nó đòi hỏi kẻ tấn công phải tập hợp đủ 51% sức mạnh tính toán của toàn hệ thống).
Chi phí để thiết lập phần cứng (máy móc) cho một cuộc tấn công 51% có thể lên đến hàng trăm triệu đô-la hoặc hơn, ngoài ra kẻ tấn công còn phải trả hàng triệu đô-la tiền điện, và gần như là bất khả thi với các yếu tố hậu cần khác. Tuy nhiên, ngay cả khi có thể, những kẻ tấn công cũng không dại gì làm như vậy, bởi vì điều đó sẽ phá hủy giá trị của Bitcoin ngay lập tức, và như vậy là gần như phi vụ này của họ sẽ bị lỗ.
Tuy nhiên, một tác nhân phi kinh tế, như một chính phủ, có thể sẽ thực hiện việc này. Mặc dù chi phí sẽ lớn đáng kể và tăng lên khi mà giá trị của các tài sản mã hóa tăng và khả năng phòng ngự chống lại kiểu tấn công này đã được tích hợp vào mã code của nhiều Blockchain (bao gồm cả bitcoin), thì đây vẫn là một rủi ro.
Rủi ro pháp lý
Nhìn chung các rủi ro pháp lý hiện hữu đối với crypto đã giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những vùng xám (nơi quy định pháp lý chưa rõ ràng) mà nhà đầu tư cần phải xem xét. Có thể kể đến những rủi ro dưới đây:
– Cấm hoặc tịch thu tài sản: Một số người lo lắng rằng chính phủ có thể cấm việc sở hữu tất cả hoặc một số loại tài sản mã hóa. Mối lo ngại này đặc biệt nghiêm trọng đối với các loại tài sản mã hóa ẩn danh hoàn toàn (không thể truy vết các giao dịch) như Monero và Zcash, vì chúng làm gia tăng lo ngại về các hoạt động rửa tiền.
– Đòi hỏi các giải pháp AML/KYC (Phòng chống rửa tiền / Xác minh danh tính) nâng cao: Tất cả các giao dịch tài sản mã hóa đều ít nhất là bán ẩn danh (ND: bạn chỉ có thể biết địa chỉ ví A chuyển crypto cho địa chỉ ví B, chứ không biết được người nào sỡ hữu ví A, người nào sở hữu ví B nếu như không có kỹ năng của một chuyên gia CNTT, hacker). Do đó, để đáp ứng các quy định về chống rửa tiền, ngành công nghiệp crypto bắt buộc phải nâng cao các yêu cầu về AML và KYC đối với các hoạt động liên quan tới crypto, ví dụ như sàn giao dịch tiền mã hóa. Việc tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ này có thể ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường.
– “Trạng thái chứng khoán” của tiền mã hóa: Các sản giao dịch tài sản mã hóa vẫn có thể tồn tại ở định dạng hiện tại là do chúng chưa được xem là chứng khoán bởi các cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Nếu chúng được xem là chứng khoán, sẽ có rất nhiều hạn chế, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự thanh khoản hiện tại của toàn hệ sinh thái tài sản mã hóa. Trong khi cái mác “không phải là chứng khoán” của các tài sản mã hóa lớn khác đã được thiết lập vững chắc, các loại tài sản mã hóa mới hơn và nhỏ hơn có thể vẫn phải đối diện với rủi ro này.
Một số nguy cơ khác
Một danh sách đầy đủ các mối đe dọa đối với ngành công nghiệp cryto vượt ra khỏi phạm vi của bài nghiên cứu này. Tuy nhiên, các mảng rủi ro khác mà chúng ta cần quan tâm có thể bao gồm:
– Thao túng thị trường: Việc giao dịch tài sản mã hóa không được quy định chặt chẽ và thị trường chưa đạt được sự trưởng thành như các sàn giao dịch chứng khoán và các thị trường tài chính khác. Kết quả là các loại tài sản này trở nên nhạy cảm hơn với các hành vi thao túng, và trong thị trường này, các hành vi thao túng này rất khó để giám sát và khắc phục. (ND: chắc là bạn có biết việc Elon Musk đã thỏa sức “thao túng” giá trên thị trường crypto bằng sức ảnh hưởng của mình trong thời gian vừa qua).
– Gian lận: Lịch sử phát triển của ngành công nghiệp crypto được tô điểm bằng rất nhiều câu chuyện về các thực thể gian lận đã “ăn cắp” tiền của nhà đầu tư như là một kết quả của sự kém cỏi hoặc bởi các ý định xấu. Để tránh việc này, các nhà đầu tư cần làm việc với các đối tác tin cậy. Đã có hàng tỷ đô-la bị đánh mất do nhà đầu tư làm việc với các thực thể gian lận hoặc các bên thứ ba yếu kém.
Rủi ro của crypto với tư cách là một khoản đầu tư
Mặc dù các rủi ro ngoại sinh và hiện hữu kể trên là rất quan trọng để chúng ta xem xét, nhưng các rủi ro ở khía cạnh đầu tư lại là những rủi ro lớn hơn và thực tế hơn mà chúng ta cần phải quan tâm.
Nguyên tắc là, nhà đầu tư phải luôn nhận thức được rằng, bất kỳ khoản đầu tư nào trong lĩnh vực crypto cũng đối mặt với sự biến động lớn. Crypto là một ngành công nghiệp non trẻ và tài sản mã hóa đã thể hiện mức độ biến động cực kỳ cao, bao gồm nhiều trường hợp mất hoàn toàn giá trị. Mặc dù theo thời gian sự biến động đã giảm đi phần nào, nhưng nó vẫn cao hơn rất nhiều so với các loại tài sản truyền thống khác như cổ phiếu và trái phiếu.
Trong một lưu ý liên quan, sự biên động lớn này làm cho crypto trở thành một loại tài sản đặc biệt thử thách xét từ góc độ hành vi. Sự cám dỗ trong việc mua vào kiếm lợi nhuận hoặc bán khi thị trường giảm là một đặc điểm chung trong tất cả các lớp tài sản, và nó trở nên đặc biệt khó khăn cho nhà đầu tư trong việc cấu trúc một chương trình đầu tư vào crypto bởi sự biến động rất lớn của nó.
Ngoài ra, các quy trình thẩm định chuẩn rất khó để thực hiện trong lĩnh vực crypto. Chuyên môn về crypto vẫn đang trong quá trình phát triển, một số công ty ở phố Wall cung cấp một số nghiên cứu về mảng này, các chỉ số để định giá vẫn đang được phát triển và chất lượng dữ liệu thì không đồng đều. Hơn nữa, nhiều nhà quản lý quỹ vẫn là người mới đối với lĩnh vực này, hồ sơ năng lực của họ vẫn còn hạn chế hoặc bị ảnh hưởng rất lớn bởi những đợt lên xuống mạnh của thị trường.
Và tất nhiên, lịch sử về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ crypto có thể sẽ không lặp lại hoặc là sẽ bị đảo ngược trong tương lai. Nhiều người tin rằng crypto là một bong bóng, và những người khác, trong khi công nhận tiền năng của nó vẫn băn khoăn về việc liệu ngành crypto hay một loại tài sản cụ thể nào đó có thể chứng minh cho định giá hiện tại hay không?
Cuối cùng, loại tài sản mã hóa nào sẽ nổi lên vào đóng vai trò chủ đảo là chưa rõ ràng, cũng như là việc thị trường sẽ được phân chia như thế nào trong tương lai.
Tài sản mã hóa là một lĩnh vực mới và là thị trường đang phát triển, và triển vọng của nó là một điều chưa chắc chắn, với rất nhiều khả năng có thể xảy ra. Cũng giống như bất kỳ một môi trường đột phá, mới và ở giai đoạn đầu nào, các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường crypto cần phải chuẩn bị cho khả năng bị thua lỗ lớn, có thể là thua lỗ hoàn toàn số tiền của mình.